NO PHOTO
QNQ EDUCATION
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận nhất.
QNQ QNQ QNQ QNQ
Hot Line : 0919.591.007
  Chi Tiết Tin
BÍ QUYẾT GIÚP TRẺ YÊU THÍCH ĐỌC SÁCH

Ai cũng biết đọc sách là vô cùng quan trọng, nhưng nếu không đọc sách liệu có sao không? Ai cũng có thể nói sách là một người bạn tốt, nhưng có bao nhiêu người đang chơi với người bạn tốt ấy hằng ngày bởi ngoài bạn ấy ra, chúng ta còn biết bao người bạn khác: game, iPad, tivi...

Ở Việt Nam trung bình bao nhiêu gia đình có một tủ sách? Hy vọng rằng số lượng tủ sách sẽ không nhỏ hơn con số các tủ rượu đang tồn tại trong các gia đình mà những người sở hữu dường như rất tự hào khi có bất kỳ ai ghé thăm.

Theo con số thống kê của Tổ chức NOP World Culture Score, mỗi tuần người Ấn Độ đọc sách 10,7 giờ; Thái Lan 9,4 giờ; Trung Quốc 8 giờ; Nga 7,1 giờ; Australia 6,3 giờ; Mỹ 5,7 giờ; Anh 5,3 giờ; Nhật Bản 4,1 giờ; Hàn Quốc 3,1 giờ, còn người Việt Nam chỉ đọc trung bình mỗi năm 0,8 quyển sách.

Để hình thành thói quen đọc sách là việc làm không khó nhưng cũng không phải dễ. Thói quen này nếu hình thành ngay từ bé sẽ quyết định đến khả năng đọc sách trong suốt thời gian dài của cuộc sống. Vậy bí quyết nào giúp trẻ yêu thích đọc sách?

Quan tâm đến sở thích của trẻ

Để giúp trẻ thích thú với việc đọc sách, bạn hãy chú ý đến thời điểm trẻ quan tâm đến sách, những đề tài trẻ quan tâm, đừng chỉ chọn những quyển sách theo tuổi hay những đề nghị ở sau quyển sách. Một số trẻ thích truyện cổ tích, một số khác thích những quyển sách với hình xe tải hoặc xe lửa. Một số độc giả nhí lại thích những câu chuyện thực về trẻ con. Cũng có những trẻ thích đọc về những động vật hành động giống như trẻ con thật. Hãy để ý xem con bạn thích loại nào.

Đặt tủ sách ở nơi trẻ dễ dàng tiếp cận

Ở nhà, bạn hãy để sách ở những nơi gần trẻ nhất, nơi trẻ có thể lấy sách một cách dễ dàng, phòng cho trẻ chơi hãy đặt một tủ sách. Phòng ngủ của trẻ có thể đặt thêm một tủ sách. Nếu trẻ ngủ chung với bố mẹ thì có thể đặt sách ngay gần chỗ ngủ. Trẻ sẽ nhìn thấy sách hằng ngày và cha mẹ cũng có thể tiện tay đọc sách bất cứ khi nào mình thích.

Tương tác với trẻ trong quá trình chúng đọc sách

Khi trẻ ở giai đoạn đã có thể đọc xong một đoạn hay một quyển sách thì bạn hãy thường xuyên trao đổi với con về nội dung mà chúng đọc được. Bạn nên đặt ra những câu hỏi đơn giản như: “Theo con thì nhân vật này có điểm gì tốt?”, “Con thích nhân vật nào nhất trong câu chuyện?”, “Con hãy tóm tắt lại nội dung mà con đã đọc?”, “Theo con thì nội dung của câu chuyện có gì hay?”, “Qua câu chuyện này con học được điều gì?”

Đây là những câu hỏi giúp trẻ phát huy trí não, phát triển về ngôn ngữ và cách diễn đạt. Lúc này, trẻ sẽ hăng hái trình bày với bạn về những gì chúng nghĩ. Bạn cũng có thể thông qua những gì trẻ diễn đạt để hiểu hơn về tính cách của trẻ cũng như đặt những câu hỏi để hướng đến những điều mà bạn muốn chúng thực hiện.

tuong tac de tre yeu thich doc sach

 (Ảnh minh họa)

Giành thời gian đọc sách cùng trẻ

Tận dụng bất kỳ cơ hội nào để đọc sách cùng trẻ: Bạn có thể cùng trẻ chơi các trò chơi ở nhà như tạo bảng chữ cái bằng các bức tranh, trao đổi với trẻ về những cuốn sách trẻ thích đọc hay đơn giản là đọc cho trẻ nghe một câu chuyện. Ngòai ra, bạn có thể thường xuyên đưa trẻ đến thư viện hoặc tham gia một câu lạc bộ đọc sách. Những buổi dã ngoại kết hợp với việc đọc truyện cũng là một cách hay để tạo thói quen và khơi dậy niềm yêu thích đọc sách trong trẻ.

Cha mẹ hãy trở thành tấm gương cho trẻ noi theo

Một đứa trẻ lớn lên cùng sách sẽ có thể sớm phát triển nhân cách ngay từ giai đoạn đầu cuộc đời. Trẻ coi cha mẹ như một tấm gương và bắt chước làm theo những hình ảnh chúng thấy hàng ngày. Vì vậy, nếu cha mẹ chúng say sưa đọc sách mỗi ngày sẽ khiến chúng tò mò và tập làm theo bố mẹ.

Sách luôn là người bạn đồng hành thân thiết của trẻ, tuy nhiên bạn nên định hướng và  chọn cho bé những thể loại sách phù hợp. Sách cho trẻ cần phải đảm bảo phù hợp với sở thích của trẻ, vừa giúp trẻ mở mang kiến thức, hiểu biết xã hội và các giá trị đạo đức, nhân văn…

Biến sách thành những câu chuyện vui, hài hước, hóm hỉnh.

Trẻ không thể hình dung việc đọc sách quan trọng như thế nào chính vì vậy bạn hãy biến sách thành những câu chuyện càng vui nhộn, càng hóm hỉnh thì càng dễ đi vào tâm trí của trẻ.   Hãy biến sách càng gần gũi với đời sống hằng ngày thông qua việc tương tác với trẻ bằng những nhân vật mà chúng thích. Khi đọc sách bạn có thể minh họa bằng những thú nhồi bông trong nhà bạn hay đơn giản là bạn hóa thân vào nhân vật trong sách, khi trẻ cảm thấy hứng thú với những nhân vật ấy, chúng sẽ chủ động tìm những điểm hay trong sách.

Thỏa thuận với trẻ về thời gian đọc sách. 

Những ngày nghỉ của bé, những ngày lễ tết bạn hãy lên kế hoạch cho bé về việc đọc sách. Bạn có thể tạo ra những thách thức cho trẻ bằng cách đưa ra những cột mốc để chúng đạt tới.    Ví dụ, "nếu con đọc xong quyển sách này trong ngày hôm nay, con sẽ được cộng 2 điểm, nếu con được 10 điểm con sẽ có một món quà". Lúc này chính là lúc bạn tặng cho trẻ những món quà mà chúng đang mong muốn sở hữu.

Khuyến khích trẻ tìm kiến thức từ sách. 

Khi trẻ hỏi bạn về một vấn đề nào đó, bạn có thể giải thích cơ bản cho chúng về vấn đề mà chúng đang quan tâm. Khi giải thích xong bạn khuyến khích chúng tìm thêm kiến thức đó từ quyển sách nào đó. Khi căn nhà của bạn đã có nhiều sách, văn hóa đọc sách sẽ lớn dần lên cùng với trẻ và việc đọc sách sẽ diễn ra một cách tự nhiên như cách chúng lớn vậy.

Hãy khuyến khích trẻ đọc một quyển sách nhiều lần vì mỗi lần chúng sẽ cảm nhận một cách khác nhau. Quan điểm đọc 101 lần tốt hơn đọc 100 lần cũng chính từ đây mà ra.

                                                                                                                                                                           SƯU TẦM

 

Các bài khác

Tìm
kiếm
QNQ EDUCATION
NO PHOTO
QNQ EDUCATION

Đang Online: 1 - Đã OnLine : 236373